Ngày nay, mọi người thường có xu hướng sử dụng Google để tìm câu trả lời cho hầu hết các câu hỏi của chính họ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp, chủ sở hữu trang web sử dụng các phương pháp để nội dung của họ có thể được tìm thấy trên Google. Đó là SEO – thực hành tối ưu hóa trang web để xuất hiện cao hơn trong kết quả tìm kiếm. Để hiểu rõ hơn về SEO và một số kiến thức cơ bản về SEO, mời bạn đọc theo dõi qua bài viết dưới đây.
SEO là gì?
SEO là viết tắt của Search Engine Optimization, nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. SEO là thực hành tối ưu hóa trang web để cho chúng đạt được vị trí cao trong kết quả tìm kiếm của Google và các công cụ tìm kiếm khác. Điều này có nghĩa là mọi người sẽ có nhiều khả năng gặp trang web của bạn hơn khi tìm kiếm trực tuyến.
Hiểu một cách đơn giản, SEO là nâng cao thứ hạng tìm kiếm và trở thành một trong những kết quả đầu tiên mà mọi người nhìn thấy. Điều này sẽ giúp bạn có nhiều lượng truy cập vào trang web của bạn.
Sự khác biệt chính giữa SEO và quảng cáo trả tiền là SEO liên quan đến xếp hạng “không phải trả tiền”, có nghĩa là bạn không phải trả tiền để có mặt trong không gian đó.
Chiến lược SEO: SEO mũ đen và SEO mũ trắng
Khi nói đến SEO, việc đạt được lợi nhuận nhanh chóng thường được gọi là “SEO mũ đen”. Những người thực hiện SEO mũ đen sử dụng các thủ thuật, công cụ để đánh lừa, như sử dụng tool, thủ thuật tạo hiệu ứng người dùng đang tương tác bài viết, spam backlink,…. Nó hoạt động trong thời gian ngắn hạn và đem lại kết quả nhanh chóng, nhưng sau một thời gian, Google sẽ phạt và thậm chí đưa trang web đó vào danh sách đen, khó có thể xếp hạng lại.
SEO mũ trắng là cách để xây dựng một website trực tuyến bền vững theo đúng luật Google. SEO mũ trắng là tập trung vào đối tượng của mình. Bạn sẽ cố gắng cung cấp cho họ nội dung tốt nhất có thể, kết quả có thể chậm hơn SEO mũ đen, tuy nhiên sẽ bền vững.
Ngoài ra, có một chiến lược gọi là SEO mũ xám. SEO mũ xám khác SEO mũ trắng là có sử dụng một số thủ thuật trong giới hạn của công cụ tìm kiếm để nâng cao thứ hạng. SEO mũ xám khác SEO mũ đen là nó không hoàn toàn mang tính thao túng quá mức như các kỹ thuật mũ đen, họ cũng dùng backlink và quan tâm tới chất lượng backink, chứ không phải spam link như kỹ thuật mũ đen.
Các yếu tố cốt lõi của SEO: SEO trên trang và SEO ngoài trang
Khi nói đến SEO, có 2 chiến lược quan trọng đó là SEO On Page và SEO Off Page.
SEO On Page
SEO On Page là đề cập tới các chiến lược mà bạn thực hiện trên chính các trang web của bạn để được tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm.
Các yếu tố SEO On Page quan trọng là:
- Title có chứa từ khóa và mặc định là thẻ H1.
- Cấu trúc URL thân thiện và phù hợp với công cụ tìm kiếm.
- Từ khóa xuất hiện trong 100 – 150 kí tự đầu của tiêu đề.
- Thiết kế website thân thiện, phù hợp với thiết bị di động.
- Sử dụng video, hình ảnh và tối ưu hóa hình ảnh (kích thước, tên ảnh phù hợp, định dạng hình ảnh chuẩn, dùng thuộc tính alt…)
- Sử dụng liên kết ngoài (không có liên kết hỏng hoặc liên kết tới web xấu).
- Sử dụng liên kết nội bộ.
- Tốc độ tải trang.
- Sử dụng các từ khóa gợi ý trên Google Seach.
- Nội dung chất lượng cao.
SEO Off Page
Khác với SEO On Page, SEO Off Page đề cập đến các bước bạn thực hiện bên ngoài các trang của mình. Điều này bao gồm các yếu tố như liên kết bên ngoài, bài đăng trên mạng xã hội và các phương pháp quảng bá trang web khác. Trang web của bạn càng chất lượng, phù hợp thì có nhiều khả năng có được lượt baclink từ web khác trỏ về, từ đó vị trí của bạn trong Google càng cao.
Chiến lược SEO Off Page mang lại cho chủ sở hữu trang web một số lợi ích sau:
- Nhiều lượng truy cập, nhiều baclink, nhiều chia sẻ trên mạng xã hội hơn.
- Tăng thứ hạng trong trang kết quả tìm kiếm.
- Tăng PageRank.
- Tạo độ tin cậy thông qua các liên kết trỏ tới trang web của bạn.
Cả SEO On Page và SEO Off Page đều cần thiết trong việc thúc đẩy lưu lượng truy cập đến trang web của bạn và cuối cùng là báo hiệu cho Google rằng trang web bạn quan trọng, mọi người quan tâm và tìm hiểu về những gì bạn cung cấp. Từ đó có thể giúp các trang web của bạn xếp hạng cao hơn và nhận được nhiều lưu lượng truy cập hơn.
Phân tích kiến thức cơ bản về SEO
SEO đòi hỏi nhiều hành động và thời gian. Đây không phải điều bạn có thể thực hiện thay đổi trong ngày hôm nay và thấy kết quả vào ngày mai. SEO thực hiện các hành động hàng ngày với mục tiêu thành công lâu dài.
Tối ưu hóa nội dung
Nội dung là Vua (Content is king). Đây là thuật ngữ nhằm nói lên mức độ quan trọng của content trong SEO. Google luôn cố gắng cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho người dùng bằng cách hướng họ đến nội dung tuyệt vời nhất mà Google có thể tìm thấy. Điều này có nghĩa công việc đầu tiên để làm tốt SEO là tạo ra nội dung chất lượng.
Một nội dung chất lượng, có tính sáng tạo, độc đáo có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận người dùng tiềm năng khi họ tìm kiếm thông tin đó.
Content là phần không thể thiếu trong SEO bởi:
- Content giúp tăng tương tác với người dùng.
- Content giúp tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
- Content giúp tăng giá trị cho sản phẩm.
- Content giúp xây dựng thương hiệu.
Các yếu tố của nội dung:
- Nội dung chất lượng: Nếu bạn tạo được nội dung chất lượng, giải quyết được vấn đề của người dùng thì trang web của bạn trở nên nổi bật và dễ dàng xếp hạng. Ngoài ra, một nội dung chất lượng, các trang web khác có thể sử dụng để tăng giá trị cho trang web của họ, từ đó trang web bạn có thể xếp hạng cao hơn trên Google.
- Mục đích của nội dung: Google muốn hiểu những gì người dùng tìm kiếm khi họ nhập nội dung vào thanh tìm kiếm. Là người tạo nội dung, bạn cũng cần hiểu điều này.
- Nội dung tươi mới: HubSpot đặt ra một điểm chuẩn cho thấy việc đăng bài thường xuyên sẽ giúp tăng thứ hạng của Google. Tuy nhiên, đăng nội dung mới chỉ là một cách để báo hiệu sự mới mẻ của Google. Bạn cũng có thể cập nhật nội dung bạn đã đăng, đây cũng là cách để Google thấy nội dung của bạn vẫn xứng đáng có vị trí trên trang một.
Cách để tối ưu hóa nội dung:
- Hiểu và đáp ứng nhu cầu của người đọc: nội dung dễ đọc, độc đáo, sắp xếp chủ đề rõ ràng,…
- Tạo dựng niềm tin cho người dùng: cung cấp rõ ràng thông tin, người chịu trách nhiệm nội dung,…
- Cần chia nhỏ nội dung với nhiều tiêu đề và hình ảnh.
- Dùng đường liên kết một cách hợp lý: văn bản liên kết có nội dung chất lượng, định dạng liên kết cho người dùng dễ nhận ra, văn bản liên kết cung cấp ý tưởng cơ bản về chủ đề của trang được liên kết, thận trọng với trang được liên kết đến,…
- Làm rõ chuyên môn, tính xác thực trong nội dung của bạn, cung cấp lượng nội dung phù hợp cho chủ đề.
- Tránh hiển thị quảng cáo gây gián đoạn.
Nghiên cứu và lựa chọn từ khóa
Một trong những phần quan trọng nhất của việc hiểu và thực hiện SEO là thực hiện nghiên cứu từ khóa. Nghiên cứu từ khóa giúp định hướng tiếp cận khách hàng mục tiêu. Việc xác định từ khóa phù hợp với nội dung là bước đầu trong hành trình SEO thành công.
Nghiên cứu từ khóa giúp bạn hiểu những cụm từ nào được tìm kiếm nhiều nhất và từ đó hướng dẫn bạn tạo các trang có thể được tối ưu hóa cho các tìm kiếm của người dùng.
Bằng cách thực hiện một số tra cứu và sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa, bạn có thể hiểu cách người dùng có xu hướng tìm kiếm liên quan tới sản phẩm và dịch vụ của bạn. Việc chọn sử dụng các từ khóa phù hợp trên các trang web của bạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn về lượng lưu lượng truy cập mà web bạn nhận được.
Thay vì chỉ tìm kiếm một từ khóa để làm cơ sở cho chiến lược SEO, hãy xem xét nhóm từ khóa chung mà trang của bạn có thể xếp hạng dựa trên chủ đề nhất định. Bạn vẫn có thể chọn một từ khóa chính để sử dụng trong tiêu đề hoặc URL của mình, nhưng hãy cung cấp câu trả lời đầy đủ cho chủ đề đó, thay vì chỉ tập trung vào một từ khóa đó.
Bạn nên bắt đầu với từ khóa dài, tuy số lượng người tìm kiếm ít nhưng độ cạnh tranh sẽ giảm đi rất nhiều.
Tối ưu các thẻ HTML của trang web
HTML của trang web là một phần quan trọng của SEO. Nếu không có các thẻ, tiêu đề và mô tả phù hợp, Google sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hiểu nội dung của bạn nói về nội dung gì và tại sao nó phải xếp hạng cao hơn đối thủ cạnh tranh.
Cách tối ưu hóa chuẩn SEO các thẻ HTML:
Thẻ tiêu đề:
- Tiêu đề được viết bên trong thẻ.
- Thẻ tiêu đề chứa từ khóa để công cụ tìm kiếm xác định được nội dung của trang web.
- Thẻ tiêu đề không trùng khớp với các bài đăng nội dung trên một trang web.
Mô tả meta:
- Mô tả meta nằm bên dưới thẻ tiêu đề, mô tả meta cho người tìm kiếm biết nội dung nói về điều gì.
- Mô tả meta không trùng với web của đối thủ cạnh tranh.
- Điều quan trọng là phải tối ưu hóa từ khóa cho phần này và không dài hơn 160 ký tự để hiển thị chính xác trên cả màn hình di động và máy tính.
- Mô tả meta phải chứa từ khóa chính của trang web, tập trung nội dung ngắn gọn, thú vị nhưng vẫn đầy đủ và ý nghĩa. Tuy nhiên, không nên nhồi nhét quá nhiều từ khóa, bởi Google sẽ nhìn thấu đáo và thậm chí có thể phạt nếu bạn làm điều này.
Như ví dụ trên, từ khóa chính của trang web là “Formula for Men”. Thẻ tiêu đề và thẻ mô tả meta đều có chứa từ khóa chính đó.
Thẻ Heading (H1, H2…H6):
Độ quan trọng của các thẻ này giảm dần từ H1-H6 và cần chú trọng thẻ H1 sao cho tốt nhất. Bởi thẻ H1 cho Google biết nội dung của phần nội dung đó. Đây cũng là cơ hội để thu hút người đọc khi họ truy cập trang lần đầu tiên.
Thẻ Heading cần chứa từ khóa chính, từ khóa phụ hoặc các từ khóa liên quan.
Thẻ Alt:
- Thẻ Alt làm cho hình ảnh của bạn có nhiều khả năng xuất hiện trên các tìm kiếm của Google hơn, cả trong phần hình ảnh của Google, và cũng ngày càng xuất hiện ở đầu các trang kết quả tìm kiếm thông thường.
- Để tối ưu hóa chuẩn SEO bằng thẻ Alt, bạn cần chèn nội dung cho hình ảnh. Nội dung có thể chứa từ khóa chính của bài viết và sát với nội dung bài viết. Từ khóa trong nội dung thẻ Alt làm tăng mức độ liên quan của trang web và được Google thích.
URL Slug: là một phần của URL cho Google biết nội dung nói về cái gì. Đây cũng là nơi quan trọng để bạn chèn từ khóa quan trọng nhất của bài viết.
Cấu trúc trang web
SEO nên là một phần không thể thiếu trong thiết kế website. Một cấu trúc trang web tốt giúp người dùng có trải nghiệm tuyệt vời.
Nó tập trung vào những yếu tố như tên miền, hosting, cấu trúc liên kết, URL, điều hướng liên kết, thời gian tải nhanh, kết nối an toàn, thiết kế thân thiện với thiết bị di động,…
Niềm tin
Niềm tin ngày càng trở nên quan trọng và hầu hết các bản cập nhật gần đây của Google đều tấn công các trang web spam và ít người biết đến. TrustRank là một cách để Google xem liệu trang web của bạn có hợp pháp hay không.
Ví dụ: nếu bạn là một thương hiệu lớn, Google có thể sẽ tin tưởng bạn. Hoặc các backlink chất lượng từ các trang web có thẩm quyền (như miền .gov) cũng sẽ hữu ích cho trang web của bạn.
Có 3 yếu tố để xây dựng lòng tin trên trang web:
- Thẩm quyền: Google xác định thẩm quyền tổng thể trên trang web của bạn bằng sự kết hợp của hai loại thẩm quyền là Cơ quan quản lý miền (liên quan đến mức độ phổ biến của tên miền của bạn. VD: Coca-cola.com rất có thẩm quyền vì mọi người đều đã nghe nói về nó) và Quyền hạn của trang liên quan đến mức độ thẩm quyền của nội dung một trang web (VD: một bài đăng trên blog).
- Tỷ lệ thoát: là thước đo có bao nhiêu người chỉ xem một trang trên trang web của bạn trước khi rời đi ngay lập tức. Tỷ lệ thoát trong SEO là yếu tố quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới hạng SEO website của bạn và liên quan tới đánh giá chỉ số trust website. Nội dung chất lượng, thời gian tải, giới thiệu bài viết hay hoặc thông tin tốt cho người đọc từ các bài viết khác trên trang đều góp phần của việc giảm tỷ lệ thoát.
- Tuổi miền: Nếu một trang web đã tồn tại được một thời gian, tạo ra nội dung nhất quán và tối ưu các công cụ tìm kiếm thì sẽ xếp hạng cao hơn so với một trang web mới.
3 cách để xây dựng lòng tin:
- Kiên nhẫn: Niềm tin không phải là điều xảy ra trong một sớm một chiều. Đôi khi, bạn cần kiên nhẫn vì Google không thu thập ngay dữ liệu trang web của bạn.
- Hiểu ý định của người dùng: Một phần quan trọng của SEO là hiểu những gì người dùng muốn, không phải những gì bạn muốn. Khi người dùng tìm kiếm trên Google, họ đang muốn hoàn thành một điều gì đó. Nếu bạn cung cấp giải pháp, hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp toàn bộ giải pháp đó, nếu không, họ sẽ truy cập trang web và nhận ra rằng nó không đủ tốt để tiếp tục.
- Cung cấp cho họ những gì họ muốn: cung cấp cho họ những gì người dùng muốn ngay khi họ truy cập vào trang web của mình. Hầu hết mọi người không muốn đọc toàn bộ một bài, thay vào đó, họ muốn có câu trả lời, vì vậy bạn hãy cung cấp thông tin cho họ càng sớm càng tốt.
Liên kết
Liên kết là một yếu tố quan trọng đối với SEO. Khi một trang liên kết với một trang khác, nó sẽ giúp Google điều hướng trang web của bạn và xây dựng mạng lưới kết nối giữa các trang và nội dung của chúng. Điều này có thể giúp phân loại các trang và điều quan trọng là cho phép Google lập chỉ mục các trang của bạn (hoặc thêm chúng vào danh sách các trang mà Google xem xét khi hiển thị kết quả tìm kiếm) hiệu quả hơn.
Backlink
Backlink là liên kết được trả về từ các website khác tới website của mình, được xem là thành phần quan trọng nhất của hệ thống link trong SEO, vì nó giúp nâng cao thẩm quyền cho trang web của bạn.
Khi một trang web quan trọng tham chiếu đến nội dung của bạn, nó sẽ gửi tín hiệu đến Google rằng các trang của bạn là một nguồn thông tin tốt. Các liên kết bên ngoài cũng giúp các trang của bạn được hiển thị, cho phép nhiều người dùng tiềm năng hơn tiếp cận và tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ của bạn.
Backlink hoạt động tốt nhất là khi một website chú ý đến bạn và quyết định rằng trang web của bạn có thể thêm giá trị cho nội dung của họ. Do đó, họ liên kết đến trang của bạn như một cách để giúp người đọc hoặc người dùng của họ. Trang web khác càng có thẩm quyền hoặc quan trọng, thì liên kết của bạn càng có giá trị.
Mặc dù không có đường tắt để có được các backlink, nhưng cách tốt nhất là cố gắng tạo ra nội dung chất lượng tốt một cách nhất quán.
Cần phải chú ý tránh để trang web của mình xuất hiện ở những website có nội dung xấu. Xây dựng và liên kết một hệ thống link chắc chắn, website của bạn sẽ đạt được những thứ hạng cao.
Liên kết nội bộ
Liên kết nội bộ là liên kết giữa các trang trong trang web của riêng bạn.
Điều này khá đơn giản vì bạn có quyền kiểm soát tất cả các trang của mình và có thể dễ dàng thêm các liên kết từ trang này sang trang khác. Liên kết nội bộ cũng giúp nâng cao thẩm quyền của trang web. Bằng cách liên kết các trang được truy cập ít hơn với các trang mạnh hơn trong trang web của riêng bạn, bạn đang gửi cho Google tín hiệu rằng cả hai trang đều quan trọng.
Liên kết nội bộ cũng rất quan trọng đối với trải nghiệm người dùng. Bằng cách kết nối các trang có liên quan với nhau, bạn sẽ làm cho trang web của mình dễ điều hướng hơn và đảm bảo rằng người dùng của bạn có thể dễ dàng tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm. Do đó, liên kết nội bộ có thể thúc đẩy lưu lượng truy cập giữa các trang web của bạn, thu hút sự chú ý đến tất cả nội dung của bạn.
Quảng bá trang web
Mặc dù các trang web của bạn sẽ được người dùng khám phá nội dung của bạn thông qua kết quả tìm kiếm hoặc liên kết tới nội dung đó, tuy nhiên, Google cũng hiểu rằng bạn rất mong muốn mọi người biết đến công sức bỏ ra cho nội dung của mình. Quảng bá nội dung mới sẽ giúp những người quan tâm tới chủ đề đó được biết đến và khám phá nhanh hơn.
Việc cung cấp nội dung phù hợp cho nhóm người dùng quan tâm tới nội dung đó sẽ trở nên dễ dàng hơn dựa trên tương tác và chia sẻ trên mạng xã hội. Việc nhận được nhiều lượt chia sẻ thực sự có thể giúp cho Google thấy bạn đang ở trong một chặng đường dài và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết.
Nguyên tắc về EAT của Google
EAT là viết tắt của Chuyên môn, Thẩm quyền và Sự tin cậy – ba yếu tố mà Google sử dụng để đo lường mức độ tin cậy mà Google nên đặt vào một trang web. EAT đóng vai trò quan trọng trong bảng xếp hạng và liên quan trực tiếp tới SEO OffPage.
- Chuyên môn (Expertise): là kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể. Nếu bạn cung cấp một dịch vụ hoặc sản phẩm mà bạn có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực đó, bạn có thể được phân loại là chuyên gia. Đặc biệt là khi chứng minh được kiến thức và trình độ của bạn cao hơn đối thủ cạnh tranh.
- Thẩm quyền (Authority): là trang web có thể được tin cậy là chính xác hoặc đúng sự thật. Người dùng khi tìm kiếm thông tin trên Google, họ không chỉ muốn tin tưởng vào chuyên môn của thương hiệu này, mà họ còn muốn đảm bảo rằng đây là thương hiệu tốt nhất mà họ tìm đến. Google sẽ xem xét và đánh giá thương hiệu, trang web và nội dung của bạn để xác định xem đó có là nội dung có thẩm quyền hàng đầu hay không.
- Trust (Độ tin cậy): là phép đo mức độ uy tín của thương hiệu, trang web hoặc nội dung của bạn. Google sẽ đánh giá độ tin cậy dựa vào các liên kết trỏ về từ các miền khác, đặc biệt là khi miền đó có độ tin cậy cao.
VD: trungtamthuoc.com là wesite chia sẻ thông tin y học, sức khỏe. Thông tin tác giả chịu trách nhiệm nội dung của trang web là Dược sĩ Nguyễn Thư. Khi đó, người dùng sẽ cảm thấy tin tưởng, yên tâm hơn khi vào trang web đó bởi nội dung được biên soạn bởi dược sĩ có chuyên môn. Và nếu chỉ để thông tin tác giả là “Nguyễn Thư”, người dùng sẽ không biết “Nguyễn Thư” là ai, nội dung có phải là người có chuyên môn viết hay không, và họ sẽ cảm thấy trang web của bạn không đủ tin cậy.
Hiểu một cách đơn giản hơn, để đạt được xếp hạng trên Google, ngoài phải thể hiện được chuyên môn và thẩm quyền tên miền cao về một chủ đề mà phải đảm bảo rằng trang web liên quan khác đồng ý qua các liên kết trỏ về trang web bạn.
Xem thêm tài liệu chính thống từ Google:
- Cẩm nang Tối ưu hoá cho công cụ tìm kiếm (SEO).
- Kỹ thuật và chiến thuật SEO nâng cao.
- Các bước để làm cho trang web thân thiện với Google.
Tài liệu tham khảo
- Chuyên gia của Neilpatel. What is SEO? Your Complete Step-By-Step Guide, Neilpatel. Truy cập ngày 24/1/2022.
- Chuyên gia của Search Engine Land. What Is SEO / Search Engine Optimization?, Search Engine Land. Truy cập ngày 24/1/2022.
- Marieke van de Rakt. (Ngày đăng: ngày 27 tháng 9 năm 2021. What is SEO? An explanation for beginners, Yoast Seo for everyone. Truy cập ngày 24/1/2022.