Gần đây trong lúc trao đổi về nhu cầu tuyển người, rồi ứng dụng CÔNG NGHỆ THÔNG TIN trong y tế, chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe…, khi thảo luận chi tiết về môi trường bệnh viện mình có nhận định chủ quan là việc ứng dụng CÔNG NGHỆ THÔNG TIN trong môi trường bệnh viện Việt Nam còn rất hạn chế, ngay cả những bệnh viện tư nhân có nguồn lực lớn, có quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ và chia sẻ 1 số lý do về vấn đề này.
Một người thầy mà mình rất kính trọng cũng chia sẻ một góc nhìn khác đó là do lỗ hổng trong đào tạo y khoa của Việt Nam dẫn đến phần lớn y bác sỹ thiếu thói quen/sự chấp nhận ứng dụng CÔNG NGHỆ THÔNG TIN. Ví dụ thầy đưa ra đó là rất nhiều các bác sỹ/cán bộ y tế tại 1 đơn vị chưa tận dụng/khai thác được các ứng dụng CÔNG NGHỆ THÔNG TIN đã được xây dựng. Hay nói cách khác, theo thầy thì ngay tại đơn vị đó, năng lực số/năng lực nghiên cứu của cán bộ y tế không tương đồng với sự phát triển CÔNG NGHỆ THÔNG TIN. Rất nhiều các giải pháp CÔNG NGHỆ THÔNG TIN được bộ phận IT xây dựng hoặc đề nghị ứng dụng nhưng đều chưa được khối y tế điều trị đón nhận và sử dụng. Nguyên nhân sâu xa là lỗ hổng trong đào tạo y khoa dẫn đến kỹ năng số chưa được chú trọng đào tạo, kỹ năng nghiên cứu và thói quen đặt câu hỏi, ra quyết định dựa trên bằng chứng và thông tin khoa học cập nhật (y học thực chứng – evidence based medicine).
Cá nhân mình đồng tình với góc nhìn này. Tuy nhiên bản thân vẫn băn khoăn ở khía cạnh: “liệu thực sự các giải pháp CÔNG NGHỆ THÔNG TIN xây dựng cho các bác sỹ, nhân viên y tế trong đơn vị đó đã thực sự phù hợp/sát với nhu cầu chưa?” Có lẽ do là 1 người non-tech nên có xu hướng đứng về phía khối y tế nhiều hơn khối công nghệ.
Với một số các bệnh viện đã có cơ hội ghé thăm, dù quy mô lớn hay nhỏ, dù đã có bệnh án điện tử/bệnh viện thông minh hay chưa, dù là công lập hay tư nhân thì đều chưa thấy một đơn vị nào thực sự có các giải pháp giúp bác sỹ có thể khai thác thông tin lâm sàng hiệu quả để có thể ra quyết định dựa trên bằng chứng. Lý do chẳng phải cần công nghệ gì cao siêu, chỉ đơn giản phần lớn các thông tin điều trị, thông tin lâm sàng của bệnh nhân vẫn được ghi nhận dưới dạng các chuỗi tự do (free text) thay vì được mã hoá, phân loại thông tin và sắp xếp khoa học. Chính vì vậy khi có nhu cầu cần tổng kết, thống kê số liệu các bác sỹ 1 là phải mở từng bệnh án điện tử làm thủ công (đọc và soát và ghi chép lại) hoặc nhờ cán bộ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN thực hiện thống kê hộ theo 1 số tiêu chí nhất định. Điều này vô tình dẫn đến NGẠI trong việc tìm kiếm thông tin hỗ trợ ra quyết định, NGẠI nghiên cứu và sử dụng dữ liệu… của các bác sỹ chứ không chỉ hoàn toàn là do lỗ hổng của chương trình đào tạo y khoa.
Vậy mã hoá, phân loại và sắp xếp một cách khoa học các thông tin, chẩn đoán, diễn biến lâm sàng, điều trị của bệnh nhân khó lắm hay sao mà các đơn vị hay các chuyên gia, khối CÔNG NGHỆ THÔNG TIN chưa làm cho các bác sỹ? Trình bày lý do thì chắc có nhiều nhưng một trong lý do chắc chắn đúng đó là: CHƯA ÁP DỤNG HỆ THỐNG THUẬT NGỮ LÂM SÀNG (clinical terminology)
Hệ thống thuật ngữ lâm sàng là gì? Nó có tác dụng như thế nào trong bối cảnh trên?
Hệ thống thuật ngữ lâm sàng được sử dụng để mã hóa toàn bộ thông tin trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, từ chẩn đoán cho đến thủ thuật điều trị và hơn thế nữa. Chúng hoạt động như một hệ quy chiếu chung sử dụng các khái niệm ngữ pháp thành phần (các từ hội thoại) có thể được mã hóa và truy vấn. Sử dụng hệ thống thuật ngữ lâm sàng giúp cho mọi người đều nói cùng một ngôn ngữ về bệnh nhân khi khám bệnh hay khi thanh toán. Ngoài ra, để đạt được mức độ liên thông ở cấp độ ngữ nghĩa (semantic interoperability) thì cần phải sử dụng hệ thống thuật ngữ lâm sàng.
Tại sao các thuật ngữ lâm sàng lại chưa được áp dụng?
So với các lĩnh vực khác, chăm sóc sức khỏe có các thuật ngữ phức tạp hơn rất nhiều. Để hình dung dễ hơn, hãy xem tình huống “gãy xương chày gần (xương ống chân) là 1 dạng trong rất nhiều dạng chấn thương xương chày có thể xảy ra. Hãy tưởng tượng là bạn cần 1 tập hợp bao nhiêu từ khóa để có thể mô tả tất cả các loại chấn thương và các tình trạng khác của 206 xương trong hệ xương ở người. Và hãy nhớ rằng hệ xương chỉ là 1 tập hợp con trong giải phẫu cơ thể người.
Và khi có hàng nghìn hàng nghìn các tập hợp con như trên, nếu chỉ sử dụng mỗi các từ khóa, chúng ta sẽ không thể quản lý nổi. Chúng ta cần phải mã hóa, đánh số, sắp xếp chúng theo phân bậc/thứ bậc. Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống phân cấp cho các loại người dùng khác nhau.
Không phải tất cả các lĩnh vực, vai trò chức năng trong hệ thống y tế đều đỏi hỏi mức độ chính xác như nhau trong việc miêu tả/ghi nhận thông tin chẩn đoán và điều trị. Ví dụ:
- Một bác sĩ cần ghi lại chính xác về lần khám cho bệnh nhân vào bệnh án điện tử (EMR). Họ sẽ sử dụng danh sách vấn đề (problem list) và mã chẩn đoán. Có thể sử dụng SNOMED CT hoặc hệ thống mã do bệnh viện của họ tự xây dựng.
- Một xét nghiệm được thực hiện trong 1 lần khám bệnh. Các mã được gán và liên kết với các mục này có thể sử dụng LOINC.
- Bác sỹ kê chỉ định dùng thuốc có thể sử dụng RxNorm.
- Nhân viên thanh toán, sử dụng các tài liệu hướng dẫn/quy định thanh toán từ nhà cung cấp/đơn vị bảo hiểm để có thể gán mã phù hợp trên hóa đơn thanh toán cho lần khám. Ví dụ: CPT và ICD-10.
- Một nhân viên tổng đài thực hiện xếp lịch khám, đăng ký khám, tốt nhất nên xem thông tin bằng ngôn ngữ đơn giản trong hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) khi nói chuyện với bệnh nhân (“Ồ vâng, tôi thấy rằng bạn đã được điều trị gãy chân vào tháng 8 năm ngoái”).
Như bạn có thể thấy, các mức độ chính xác khác nhau đã dẫn đến các hệ thống mã hóa khác nhau.
Ở Việt Nam đã có 1 số các hệ thống mã hóa được áp dụng như ICD, hoặc các hệ thống mã quốc gia tùy chỉnh đã ban hành bởi Bộ Y tế… Tuy nhiên CHƯA CÓ BẤT KỲ 1 đơn vị nào sử dụng các hệ thống thuật ngữ lâm sàng ví dụ như SNOMED CT. Chính vì vậy việc ghi nhận thông tin trên bệnh án điện tử/hồ sơ sức khỏe điện tử phần lớn được ghi nhận dưới dạng chuỗi và rất khó để khai thác sử dụng, chia sẻ các thông tin này 1 cách chính xác, hiệu quả.
Dài quá mọi người chắc sẽ ngại đọc nên xin viết tiếp trong bài sau về Hệ thống thuật ngữ lâm sàng và giới thiệu SNOMED CT cũng như cách nó giúp trả lời tại sao mình nghĩ các ứng dụng CÔNG NGHỆ THÔNG TIN trong bệnh viện như bệnh án điện tử được xây dựng chưa thực sự hỗ trợ/sát các nhu cầu của bác sỹ/nhân viên y tế nếu thiếu SNOMED CT. Hay nói cách khác nếu có SNOMED CT thì mình chắc sẽ không cần trợ giúp tuyển người này.
Nguồn Vietnam Digital Health Network.