Hàng chờ ngắt quãng; những hành lang dài nhàm chán; đống giấy tờ; đây là những quy trình và khung cảnh mà chúng tôi đã quen thuộc khi đến các cơ sở y tế. Nhưng đó là minh chứng cho những quy trình làm việc cũ kỹ từ thế kỷ 20; trong khi công nghệ của thế kỷ 21 có thể cải thiện triệt để hệ thống từ trong ra ngoài theo đúng nghĩa đen.
Thật vậy, việc thiết kế các bệnh viện trong tương lai, phần lớn các hoạt động, thủ tục/quy trình bên ngoài các cơ sở này sẽ được giảm tải bằng cách tận dụng các công nghệ y tế số. Bệnh nhân có thể theo dõi các chỉ số sinh tồn của mình mọi lúc mọi nơi nhờ thiết bị đeo trên người và chia sẻ dữ liệu với bác sĩ của họ từ xa. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các bệnh viện sẽ trở nên lỗi thời hoàn toàn. Thay vào đó, các bệnh viện sẽ trở thành nơi để: phòng bệnh cho bệnh nhân, cho các bệnh nhân cần chăm sóc y tế cấp tính và cho bệnh nhân cần các thủ thuật phẫu thuật hoặc chụp phim sử dụng các máy X quang lớn.
Dù đây có thể là những mục tiêu thiết kế trong tương lai xa, nhưng một số điều chỉnh có thể được thực hiện ngay trong thời gian trước mắt để xây dựng các thiết kế lý tưởng cho các bệnh viện trong tương lai gắn liền với việc tích hợp tốt hơn các công cụ y tế số để chống lại đại dịch, có thể giúp các cơ sở y tế khôi phục tốt hơn đối với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Hãy xem các cấu phần chăm sóc có thể được thiết kế lại như thế nào.
Thiết kế phù hợp với công nghệ y tế số
Đại dịch đã thúc đẩy xu hướng áp dụng các công nghệ y tế số, nhiều công nghệ trong số đó đang sẵn có để ứng dụng. Các cơ sở y tế nên sẵn sàng cho những công nghệ như vậy.
Ví dụ, robot cũng có vô số công dụng trong chăm sóc y tế từ giao đồ tận nơi đến khử trùng bề mặt; với lợi thế là không có nguy cơ lây nhiễm chéo hoặc không có tình trạng kiệt sức. Các bệnh viện sử dụng các trợ lý robot này nên được thiết kế để hỗ trợ các robot đó vận hành tốt hơn trong các tòa nhà bệnh viện, ví dụ như có hành lang rộng hơn và cửa tự động để robot di chuyển vào phòng dễ dàng hơn.
Mặc dù robot khử trùng làm sạch vi sinh vật khỏi bề mặt, nhưng bản thân các bề mặt cũng có thể trông hoàn toàn khác trong các bệnh viện tương lai. Bàn làm việc của bác sĩ có thể biến thành máy tính với màn hình có thể cuộn lại hoặc biến thành công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality technology) để lập kế hoạch cho một thủ thuật ngay trong không gian làm việc của họ. Bàn Giải phẫu (Anatomage Table) là một bề mặt giải phẫu ảo với kích cỡ màn hình tương đương kích cỡ mặt bàn; và các nhà thiết kế có thể đưa ra các lựa chọn như vậy khi hình dung thiết kế các bệnh viện mới.
Một công nghệ đầy hứa hẹn khác để đáp ứng là y tế từ xa (Telemedicine). Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng việc áp dụng công nghệ này để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân từ xa trong bối cảnh đại dịch. Một báo cáo của McKinsey ước tính rằng 25% các dịch vụ ngoại trú có thể được thực hiện theo hình thức y tế từ xa trong tương lai. Tại Hoa Kỳ, các cuộc gọi đến số 911 không yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp có thể được chuyển tiếp đến các cuộc tư vấn y tế từ xa. Cách làm này mang lại lợi ích cho các bệnh viện đang quá tải bằng cách giảm đáng kể các lượt thăm khám không cần thiết và biến việc xếp hàng trở thành dĩ vãng; đồng thời nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân.
Để hỗ trợ thêm cho việc tư vấn y tế từ xa, các bệnh viện “đòi hỏi phải có không gian dành riêng cho các cuộc tư vấn ảo. Chúng sẽ bao gồm bảng điều khiển âm thanh và ánh sáng thân thiện với người dùng, với màn hình kép để trò chuyện đồng thời với bệnh nhân và truy cập vào hồ sơ y tế của họ “.
Thiết kế linh hoạt
Một trong điểm lưu ý chính trong khi thiết kế bệnh viện tương lai là thiết kế linh hoạt không gian cho phép các chuyển đổi sang ‘chế độ đại dịch’. Đại dịch Covid đã giúp ta có những cơ hội để thực sự suy nghĩ lại về các luồng bệnh nhân bên trong bệnh viện, trước khi đến viện và giữa các cơ sở điều trị”.
Một số các ví dụ của thiết kế linh hoạt bao gồm: “các khu vực mở như bãi đậu xe ở các tầng và các khu tiền sảnh vào ở bên ngoài có thể tăng lên gấp đôi thành khu vực phân loại bên ngoài khi cần tăng sức chứa bệnh nhân và thực hiện các chiến lược giãn cách vật lý. Cổng vào và khu vực chờ có chế độ phân luồng giúp phân tách bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng và không bị nhiễm trùng ở cả hai chế độ đại dịch và không đại dịch.”
Một mô hình bệnh viện hiện có được thiết kế để xử lý những khủng hoảng như vậy là khoa cấp cứu của Trung tâm Y tế Đại học Rush ở Chicago, mở cửa vào năm 2012. Lưu thông không khí trong các phòng bệnh được ngăn cách với nhau bởi cửa kính. Điều này cũng cho phép nhân viên y tế quan sát bệnh nhân đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Hơn nữa, bản thân sảnh đợi của tòa nhà có thể kê thêm giường phụ vì nó đã được trang bị các ổ cắm điện và các đường ống cung cấp khí thở y tế. Hầu như bất kỳ phòng nào của bệnh viện cũng có thể thiết kế kết hợp không gian linh hoạt như vậy; cho dù đó là phòng họp hay các văn phòng để hỗ trợ phục vụ thêm lượng bệnh nhân khi cần thiết.
Cải thiện nơi làm việc của người chăm sóc
Mặc dù thiết kế của các bệnh viện trong tương lai sẽ nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân, nhưng nó cũng nên tạo ra một nơi làm việc được cải thiện cho những người chăm sóc. Việc tạo điều kiện cho các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn trong các tình huống khẩn cấp có thể giảm bớt gánh nặng tâm lý cho các nhân viên, những người có thể buộc phải ưu tiên phân bổ nguồn lực cho đối tượng nào, như đã xảy ra trong đại dịch COVID-19 .
Tuy nhiên, ngay cả trước đại dịch, các nhân viên y tế đã bị ảnh hưởng bởi một dịch bệnh khác: sự mệt mỏi với hệ thống báo động. Nó đề cập đến thời điểm khi những người chăm sóc trở nên nhạy cảm với các dấu hiệu báo động từ thiết bị, máy móc và có thể bỏ lỡ những cảnh báo thực sự cần được chăm sóc y tế. Các nhân viên y tế có thể gặp tới 187 lần cảnh báo trên mỗi giường bệnh/ ngày ; nhưng có đến 99% cảnh báo từ giường bệnh có thể là báo động sai. Một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể giúp giảm tới 99,3% các thông báo tương tự mà nhân viên y tế nhận được; cho phép họ chỉ nghe được những cảnh báo thật của những người cần hỗ trợ y tế. Việc thiết kế các bệnh viện mới có thể tích hợp các giải pháp như vậy.
Bên cạnh đó các thuật toán (trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò qua trọng trong việc thiết kế bệnh viện trong tương lai. Việc thu thập dữ liệu liên tục sẽ là nguồn thông tin quý giá cho các nhà thiết kế để chứng minh (hoặc bác bỏ) các nguyên tắc thiết kế và kết quả dự kiến của họ. Kết quả theo dõi khoảng cách di chuyển của nhân viên y tế thông qua GPS giúp phân tích được sự kém hiệu quả của phương án thiết kế phân luồng hiện tại, sau đó có thể kết hợp với một thuật toán đưa vào các tham số liên quan để giúp cho việc phân luồng, thiết kế phòng ban hiệu quả hơn.
Bệnh nhân tham gia vào quá trình thiết kế – lấy người bệnh làm trung tâm
Một yếu tố quan trọng để thiết kế các bệnh viện trong tương lai đúng cách sẽ là thiết kế cho bệnh nhân – bệnh nhân tham gia, góp ý kiến vào quá trình thiết kế. Là người nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ được đặt vào đúng vị trí hơn để xác định những lĩnh vực nào cần cải thiện.
Lấy ví dụ, Khoa Phẫu thuật Răng miệng và Răng hàm mặt của Trung tâm Y tế Đại học Radboud Nijmegen ở Hà Lan. Họ thiết kế lại các phòng của cả khoa dựa trên đề xuất của bệnh nhân. Điều này liên quan đến những thay đổi đơn giản nhưng quan trọng cho phép mối quan hệ bệnh nhân-bác sĩ cân bằng hơn và tạo ra bầu không khí thân thiện hơn. Họ ưu tiên sử dụng bàn tròn hơn bàn vuông để việc trò chuyện thân thiện hơn và cũng gợi ý những căn phòng sáng sủa với màu sắc thân thiện.
P/s: trong bài viết này sử dụng 1 số hình ảnh khi đi thăm quan một bệnh viện tư nhân với quy mô lớn đang được hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Một số điểm đã tương đối phù hợp tuy nhiên cũng còn rất nhiều điểm/chi tiết có thể cải thiện trên quan điểm bài viết này.
Tài liệu tham khảo
The Medical Futurist, Ngày đăng: 16/03/2021, The Future Of Hospital Design – Inside The Point Of Care. Ngày truy cập: 09/02/2021.
Nguồn Vietnam Digital Health Network.