Bài viết Doctor John đã dùng bữa trưa hôm qua, sau 14 năm ông ấy không ăn trưa!
Nguồn: Vietnam Digital Health Network
Chuỗi bài viết nói về cách trí tuệ nhân tạo (AI) thay đổi ngành Y có lẽ sẽ còn tiếp diễn dài. Lâu lắm rồi AI mới đến gần người dùng đến thế. Từ những ứng dụng tạo ảnh từ mô tả (prompt to image), tạo âm thanh, tạo video cho đến hàng loạt các công cụ ứng dụng trong công việc hiệu quả khác.
Cách đây hai tuần, tham gia một cuộc họp và ngạc nhiên khi sau cuộc họp nhận được 1 email thông báo tóm tắt bởi AI về đây là những ý bạn đã chia sẻ trong cuộc họp. Với người ghi biên bản chuyên nghiệp nhất mình nghĩ cũng khó có thể làm tốt hơn ứng dụng AI này – OTTER.AI (trừ 1 vài cuộc họp thuê hẳn chuyên gia ký hoạ tóm tắt nội dung thành 1 bức tranh thì hiện tại chưa thấy công cụ hỗ trợ. Nhưng kết hợp với prompt to image thì viễn cảnh này cũng chẳng mấy xa xôi).
Lẩn thẩn ngồi nhìn lại ngành công nghiệp “gỡ băng” trong y tế và tự hỏi liệu cái quy trình các bác sỹ ở Mỹ khám cho bệnh nhân, đoạn hội thoại giữa bác sỹ và bệnh nhân được ghi âm lại rồi chuyển sang các quốc gia khác để “gỡ băng” cho tiết kiệm thời gian chi phí đến bao giờ sẽ bị thay thế bởi AI.
Chẳng ai bán giấc mơ giỏi như giới công nghệ. 2021, Microsoft mua lại Nuance, và mới nhất với thương vụ đầu tư vào OpenAI đã giúp họ xây dựng các giá trị chiến lược trong mảng y tế.
Hãy thử “mơ” theo giấc mơ công nghệ đang bán cho y tế nào!
LỜI HỨA VÀ NHỮNG CẠM BẪY TIỀM ẨN CỦA CÁC ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TRONG GHI CHÉP NỘI DUNG Y TẾ
Trong thời đại số, với hồ sơ sức khoẻ điện tử hay hàng loạt các công cụ số khác, sự tương tác giữa bác sỹ – bệnh nhân đang đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ y tế phải cố gắng hết sức để cân bằng giữa việc ghi chép lại trên màn hình những thông tin mà họ cần và việc phải hiện hữu để tương tác với bệnh nhân. Việc có mặt bên giường bệnh để hỏi han bệnh nhân đã ngày càng trở nên khó cân bằng hơn với việc theo dõi và ghi chép các thông số sức khoẻ.
Nghề “gỡ băng” – thư ký y khoa
Công việc này đã mang đến cho nhiều sinh viên trước khi học Y (pre-med: sinh viên học 1 trường đại học nào đó trước khi vào học Y) với khả năng đánh máy nhanh cơ hội quý giá để có trải nghiệm lâm sàng với mức lương thấp – và nó mang lại cho các nhà lâm sàng cơ hội rời mắt khỏi màn hình bệnh án điện tử (EMR) nhiều hơn, khi có người khác làm thay họ các ghi chép thăm khám.
Giờ đây, AI y tế đang tìm cách bổ sung – hoặc thậm chí thay thế – công việc mà thư ký y khoa thực hiện trong các cuộc thăm khám.
Khoảng một năm trước, Microsoft đã mua lại công ty ghi chép y tế hỗ trợ AI Nuance Communications với giá 19 tỷ USD. Giờ đây, họ đang tích hợp GPT-4 vào nền tảng của mình, nền tảng này đã được các bệnh viện trên toàn quốc sử dụng để ghi lại các cuộc hội thoại giữa bệnh nhân và các nhà lâm sàng.
Mùa hè này, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ y tế sử dụng công cụ ghi chép văn bản bằng giọng nói DAX hoặc Dragon Medical One của Nuance sẽ đủ điều kiện đăng ký trở thành người dùng đầu tiên của Dax Express—sản phẩm hỗ trợ GPT-4 – sẽ không cần sử dụng người đánh giá để kiểm soát chất lượng. Nuance tuyên bố DAX Express có thể cung cấp các ghi chép y khoa do AI thực hiện trong vòng vài phút.
Hãy cùng phân tích những ưu điểm và các tranh cãi của ứng dụng AI trong y tế đang phát triển nhanh chóng này.
Ứng dụng AI ghi chép lại thông tin tự động giúp các nhà lâm sàng có nhiều hơn thời gian tương tác với bệnh nhân
Lợi ích của việc sử dụng AI để ghi chép tự động lại các nội dung cho trong thăm khám bệnh nhân là điều dễ hiểu: Các nhà lâm sàng có thể dành nhiều thời gian hơn để kết nối với bệnh nhân khi họ không phải nhìn chằm chằm vào màn hình.
Trong một cuộc phỏng vấn với STAT, cố vấn lâm sàng và chuyên gia tư vấn của Nuance cho biết : “Tại Nuance, chúng tôi có một câu nói rằng chúng tôi muốn ‘xoay ngược cái ghế lại – ý nói các các bác sỹ quay mặt lại nhìn bệnh nhân và tương tác’”
Đối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ y tế đã sử dụng sản phẩm Nuance, các tương tác với bệnh nhân chỉ là bước khởi đầu cho thấy cuộc sống công việc của họ đã được cải thiện như thế nào. Thư ký y khoa AI làm cho việc ghi chép các nội dung thăm khám cho bệnh nhân chiếm ít thời gian hơn trong lịch trình vốn đã bận rộn của nhà lâm sàng.
Kể từ khi bắt đầu sử dụng DAX, Hal Baker, giám đốc kỹ thuật số và giám đốc thông tin tại WellSpan Health chia sẻ rằng ông đã “có một số nhà quản lý bộ phận nói rằng, ‘Dr. Jones đã ăn trưa ngày hôm nay. Anh ấy đã không ăn trưa trong 14 năm.’” – ngụ ý rằng Dr. Jones đã không phải tranh thủ thời gian ăn trưa để hoàn thành ghi chép cho các cuộc thăm khám bệnh nhân.
Thêm vào đó, công cụ cho phép các nhà cung cấp ít phụ thuộc hơn vào ngành công nghiệp gỡ băng, vốn đang gây ra nhiều lo lắng về việc thiếu quy định, thay đổi nhân sự cao và khả năng bóc lột những người lao động được trả lương thấp.
Tyler Haberle, phó giám đốc thông tin y tế tại Intermountain Healthcare, một hệ thống y tế sử dụng DAX, cho biết : “AI sẽ không nhập học trường Y hay chuyển việc hoặc bị thương ở mắt cá chân khi trượt tuyết và cần nghỉ phép.
Câu hỏi về độ chính xác
Tuy nhiên, có những lo ngại về việc triển khai nhanh chóng công nghệ này trong chăm sóc lâm sàng. Cụ thể là thiếu nhiều khung hướng dẫn để đảm bảo độ chính xác và ít sự giám sát độc lập.
“Có những điều vẫn cần phải được đưa ra để giúp chúng ta tiến gần hơn đến thực tế mà các video quảng cáo vẫn truyền tải – rằng AI đang làm rất nhiều việc và sau đó là con người đưa ra phản hồi và chỉnh sửa lại các nội dung đã được AI soạn thảo – nhưng chúng ta chưa sẵn sàng như vậy, Haberle nói.
Thông báo của Microsoft và Nuance về việc tăng tốc của họ đối với công cụ ghi chép nội dung y khoa do AI thực hiện hoàn toàn xuất hiện sau những tin tức kém lạc quan hơn về những sản phẩm AI tương tự. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những công cụ ghi chép y khoa do AI hỗ trợ vẫn thiếu âm “mhms” và các âm hội thoại phi từ vựng khác trong bản ghi chép các cuộc hội thoại của họ. Những mẩu thông tin này là chìa khóa cho tính chính xác của các ghi chú về lần thăm khám. Các chuyên gia nói với STAT rằng – từ kinh nghiệm của họ—công nghệ của Nuance đôi khi vẫn gặp khó khăn khi không có sự trợ giúp của con người.
Đây không phải là những chi tiết vụn vặt. Bất kỳ sai sót nào trong tài liệu y tế đều có thể gây ra hậu quả nguy hiểm đối với việc chăm sóc bệnh nhân—từ nhầm lẫn trong hóa đơn y tế đến kê đơn thuốc không chính xác. Và các nhà cung cấp dịch vụ y tế và hệ thống bệnh viện sẽ là những người chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.
Sau đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để điều chỉnh việc sử dụng công nghệ này khi có quá nhiều nguy cơ về độ chính xác của nó. Trong trường hợp của các công ty như Nuance, đây là một thách thức. Các nhà phát triển của các nền tảng này không tiết lộ số liệu hiệu suất hoặc cho phép các nhà nghiên cứu bên ngoài truy cập và đánh giá các mô hình.
Quan điểm của chúng tôi: Cân bằng quy định và đáp ứng nhu cầu cấp thiết có thể là một thách thức
Khi nói đến vấn đề an toàn cho bệnh nhân, đôi khi các nhà cung cấp dịch vụ y tế chỉ có thể dựa trên các lời khẳng định của các công ty về tính chính xác của các sản phẩm – đặc biệt là khi nói đến sản phẩm công nghệ y tế – medtech.
Đây là câu hỏi trọng tâm của cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu các thiết bị y tế có nên được đánh giá thử nghiệm lâm sàng (giả dược) hay không – để xác định rõ hơn liệu các sản phẩm mới không chỉ an toàn mà còn chính xác và hiệu quả hay không. Tuy nhiên, đối với nhiều công nghệ y tế mới – đặc biệt là các thiết bị y tế – việc thử nghiệm giả dược là một công việc bị cấm, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể thực hiện được.
Nhưng khi nói đến ứng dụng AI trong y tế như công cụ ghi chép y khoa AI thì sao? FDA dường như tin rằng lĩnh vực đổi mới y tế này cần được giám sát nhiều hơn, cho thấy qua các động thái gần đây nhằm tăng cường quy định về AI y tế .
Chúng tôi hoan nghênh một lộ trình để giám sát hiệu quả hơn các công nghệ mới nổi này – đặc biệt là khi tính chính xác của việc chăm sóc bệnh nhân đang bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra rằng công nghệ này giải quyết các nhu cầu cấp bách, sẽ thật đáng tiếc nếu trì hoãn việc ứng dụng nó.
Như chúng ta đã thảo luận nhiều lần trước đây, chăm sóc sức khỏe là một ngành dựa trên sự tin tưởng và ứng dụng AI y tế này có thể giúp tăng niềm tin vào các nhà lâm sàng thông qua kết nối, tương tác với bệnh nhân tốt hơn, giảm tình trạng kiệt sức của bác sĩ.
Nhưng chúng ta cũng phải tiến hành thẩm định để đảm bảo những công cụ này đáng tin cậy. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà phát triển AI trong y tế sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ tính chính xác của một trong những công cụ quan trọng nhất trong chăm sóc sức khỏe và tính liên tục của dịch vụ chăm sóc: ghi chép lâm sàng trong các cuộc thăm khám bệnh nhân.