Chắc hẳn bạn đã nghe nói đến việc Facebook, Microsoft và Walmart hay mới nhất là Google đều đang tập trung đầu tư cho metaverse – một miền internet nơi các cá nhân tham gia hoặc đắm mình trong thế giới ảo với sự trợ giúp của các công cụ kỹ thuật số. Mặc dù khái niệm về metaverse đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên với việc Facebook đổi tên thành Meta đã đưa chủ đề này trở thành tiêu đề nóng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang chú ý đến lĩnh vực này.
Mặc dù các xu hướng metaverse liên quan đến trò chơi và hay các tác phẩm nghệ thuật có thể đã không còn quá xa lạ so với trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhưng các nhà lãnh đạo metaverse ngày nay cũng đang có những động thái về lĩnh vực này. Vậy Y tế số có chỗ đứng trong thế giới ảo này không? Thực tế là các công ty khởi nghiệp về Y tế số đã tham gia vào metaverse, với một số dụng ý đi kèm.
1. Metaverse là gì?
Hãy giải thích metaverse trong bối cảnh Y tế số. Hiện tại, Y tế số đang bị chi phối bởi các sản phẩm và giải pháp cho phép bệnh nhân và nhà cung cấp xem, chia sẻ, trao đổi, tạo mới hoặc tương tác với những nội dung kỹ thuật số. Ví dụ như nhập dữ liệu bệnh nhân vào EHR, gửi thanh toán qua cổng trực tuyến, xem các buổi hướng dẫn vật lý trị liệu trên một ứng dụng hoặc chia sẻ video trong khi tư vấn y tế từ xa.
Tuy nhiên, theo cách diễn giải Zuck, metaverse thay đổi mối quan hệ giữa con người và công nghệ, cho phép người dùng trải nghiệm bản thân bên trong (within) hoặc cùng với (alongside) nội dung ảo, thay vì chỉ tương tác với các sản phẩm và giải pháp kỹ thuật số. Trải nghiệm metaverse Y tế số có thể bao gồm bệnh nhân tham gia các buổi trị liệu nhóm thực tế ảo (VR), bác sĩ phẫu thuật phác thảo các quy trình về ảnh ba chiều giải phẫu hoặc các bà bầu thực hành các kỹ thuật cho con bú trong môi trường thực tế tăng cường (AR).
2. Tổng quan và nguồn vốn của metaverse Y tế số
Metaverse vẫn chưa phổ biến trong lĩnh vực Y tế số, nhưng chúng tôi nhận thấy những tín hiệu ban đầu về đầu tư và đổi mới. Các nhà đầu tư năm 2021 đã bỏ ra 198 triệu đô la tài trợ cho các công ty khởi nghiệp về Y tế số của Hoa Kỳ tích hợp công nghệ VR hoặc AR trong 11 thương vụ, cao gấp đôi so với 93 triệu đô la được huy động qua 8 thương vụ vào năm 2020. Tuy nhiên, khoản đầu tư 198 triệu đô la vào năm 2021 chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số vốn đầu tư trong năm cho Y tế số, điều này càng nhấn mạnh giai đoạn sơ khai của các công nghệ metaverse trong lĩnh vực này. Các xu hướng tài trợ này phản ánh hoạt động điều tiết ngày càng tăng trong không gian. FDA (tổ chức chương trình thực tế mở rộng y tế của riêng mình) đã phê duyệt giải pháp metaverse từ AppliedVR, PrecisionOS và Luminopia vào năm 2021.
Chúng tôi tin rằng chăm sóc sức khỏe không chỉ tồn tại dưới dạng ảo; thay vào đó, chúng tôi đang mong đợi một tương lai kết hợp của các điểm chạm kỹ thuật số và điểm chạm trực tiếp (digital and in-person touchpoints) để đạt được sự cân bằng phù hợp về dịch vụ chăm sóc có giá trị cao và dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy một số khía cạnh của chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh trong thế giới ảo, với sự dẫn đầu của một số công ty khởi nghiệp. Mặc dù lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có nhiều khả năng phát triển trong metaverse, nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào hai danh mục ứng dụng metaverse phổ biến nhất hiện nay trong Y tế số:
- Môi trường nhập vai (Immersive environments): thế giới ảo (virtual) hoặc hỗn hợp (hybrid) mà các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người tiêu dùng tham gia vì mục đích giáo dục, hỗ trợ hoặc điều trị.
- Bản sao kỹ thuật số (Digital twins): đại diện ảo cho các thực thể trong thế giới thực và có thể được điều khiển để thu thập thông tin chi tiết nhằm đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe.
3. Môi trường nhập vai
Danh mục lớn nhất của các công ty khởi nghiệp về Y tế số trong metaverse cho phép các nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng tiếp cận với thế giới thực tế ảo hoặc hỗn hợp. Những môi trường nhập vai này có thể hoàn toàn dưới hình thức ảo và được truy cập thông qua VR, hoặc hình thức kết hợp giữa các thành phần thế giới thực và kỹ thuật số kết nối với nhau thông qua công nghệ AR hoặc ảnh ba chiều.
Môi trường nhập vai trong lĩnh vực y tế số ngày nay phục vụ các mục đích giáo dục, hỗ trợ và trị liệu. Về mặt giáo dục, các startup bao gồm thư viện y tế số với nội dung VR Giblib và nền tảng đào tạo phẫu thuật Osso VR. Health Scholars đưa các y bác sĩ thâm nhập và nhập tâm vào các tình huống khẩn cấp để thực hành phản ứng nhanh, trong khi Embodied Labs giúp những người chăm sóc đồng cảm với tình trạng của bệnh nhân.
Ngoài giáo dục, môi trường nhập vai có thể hỗ trợ các nhân viên y tế khi họ phác thảo phương án điều trị hoặc hoàn thành các thủ tục. Vicarious Surgical trang bị cho các sĩ phẫu thuật trang phục có đính kèm tai nghe VR để điều khiển rô-bốt phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, trong khi hệ thống định vị AR của Augmedics giúp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình thực hiện cấy ghép. Ngoài OR, các giải pháp metaverse có thể giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của các bác sĩ lâm sàng đã được đào tạo. Kính AR của ThirdEye cho phép bác sĩ đánh giá tình trạng của bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn chăm sóc trước khi họ đến bệnh viện.
Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các trải nghiệm metaverse để tiếp nhận hoặc khuếch đại các phương pháp điều trị. Một giá trị thêm vào của những môi trường nhập vai này đó là có thể nâng cao cường độ trải nghiệm trị liệu của bệnh nhân.
Ngoài ra, môi trường điều trị metaverse có thể mở rộng quyền truy cập vào các thiết lập chuyên biệt cần thiết cho các can thiệp chăm sóc nhất định. Ví dụ: startup metaverse OxfordVR cho phép bệnh nhân thử liệu pháp tiếp xúc trong không gian ảo để khắc phục chứng ám ảnh sợ hãi và PTSD, Floreo cho phép trẻ em mắc chứng rối loạn tự kỷ thực hành các kỹ năng hành vi trong các bối cảnh xã hội khác nhau và Luminopia tạo ra các khung cảnh kỹ thuật số để điều trị các rối loạn thị giác thần kinh như giảm thị lực. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều cải tiến metaverse hơn trong các lĩnh vực lâm sàng, những lĩnh vực phụ thuộc lớn vào tương tác với môi trường của một người — ví dụ như hỗ trợ rối loạn phát triển, phục hồi chức năng thần kinh và chăm sóc MSK.
4. Bản sao kỹ thuật số
Một khía cạnh khác mà các công ty khởi nghiệp metaverse về y tế số đang tập trung đó là tạo ra các bản sao kỹ thuật số: đại diện ảo cho các thực thể trong thế giới thực (ví dụ: các cơ quan, cá thể, quần thể bệnh nhân) và có thể được điều khiển để thu thập thông tin chi tiết nhằm đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe. Các bản sao kỹ thuật số là một dạng dữ liệu tổng hợp, một loại thông tin tổng hợp nhân tạo và được sử dụng thay cho dữ liệu trong thế giới thực. Tuy nhiên, không giống như các dạng dữ liệu tổng hợp khác, các bản sao kỹ thuật số được mô phỏng theo các thực thể thực và thường được kết nối liên tục với các “cơ thể chủ” trong thế giới thực của chúng. Kết nối hỗn hợp này đặt các bản sao kỹ thuật số trực tiếp vào metaverse.
Một hình thức bản sao kỹ thuật số của chăm sóc sức khỏe là các bản sao cơ quan và nhóm cơ. Siemens Healthineers là nhà tiên phong trong bản sao kỹ thuật số về tim, đây là những mô phỏng dưới dạng số phức tạp giúp phản ánh cấu trúc phân tử và chức năng sinh học tim của từng bệnh nhân. Sử dụng bản sao kỹ thuật số tim giúp các bác sĩ mô phỏng các phản ứng của tim với thuốc, phẫu thuật hoặc can thiệp bằng ống thông trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào trong thế giới thực. Tương tự, Virtonomy xây dựng bản sao kỹ thuật số của các nhóm xương và cơ để mô phỏng tình trạng các thiết bị y tế hoặc thiết bị cấy ghép có thể xuống cấp trong cơ thể bệnh nhân theo thời gian.
Ngoài các cơ quan cơ thể, các startup cũng đang tạo ra các bản sao kỹ thuật số toàn bộ cơ thể của con người. Nền tảng Gemini của Q Bio kết hợp các chỉ số cơ thể của bệnh nhân, bản scan, lịch sử khám bệnh và kết quả xét nghiệm gen để tạo ra các mô phỏng phức tạp về giải phẫu và sinh lý của toàn bộ bệnh nhân. Người tiêu dùng có thể truy cập những thông tin này trên một dashboard ảo và chia sẻ chúng với các chuyên gia, huấn luyện viên, chuyên gia dinh dưỡng và nhà nghiên cứu để cải thiện sức khỏe cá nhân. Các bản sao của người tiêu dùng sẽ cập nhật bất cứ khi nào các kết quả xét nghiệm hoặc bản scan mới được chia sẻ. Babylon Health cung cấp cho bệnh nhân một dashboard tương tự về bản sao kỹ thuật số, trong khi Twin Health phát triển các bản sao kỹ thuật số tập trung vào sự trao đổi chất, mà các cá nhân và nhà cung cấp của họ sử dụng để lập kế hoạch thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa hoặc đảo ngược hội chứng chuyển hóa.
Ở quy mô lớn hơn, các bản sao kỹ thuật số cũng có thể mô phỏng cách quần thể có thể phản ứng với sự bùng phát dịch bệnh hoặc các loại thuốc mới, điều này giúp mở đường cho các thử nghiệm lâm sàng trong metaverse. Ví dụ, Unlearn kết hợp thông tin tiên lượng từ các bản sao kỹ thuật số của nhiều bệnh nhân vào các nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên. Do chúng làm giảm nhu cầu giám sát tại chỗ và tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi bị hấp dẫn bởi tiềm năng của các bản sao kỹ thuật số – tiềm năng thực hiện các nghiên cứu lâu dài về các bệnh mãn tính như COVID.
5. Điều gì đang chờ đợi Y tế số trong metaverse?
Mặc dù chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn tổng hợp hết các dự án Y tế số trong metaverse, nhưng chúng tôi hy vọng rằng những ứng dụng của nó trong Y tế số sẽ tiếp tục được cải thiện. Chúng tôi đặc biệt vui mừng bởi tiềm năng của metaverse trong việc giảm gánh nặng cho cuộc sống thực của bệnh nhân, cho dù bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận với môi trường trị liệu hay bằng cách mô phỏng các khả năng trước khi đưa ra quyết định. Chúng tôi cũng tự hỏi làm thế nào những giải pháp này có thể tăng cường kết nối trong cộng đồng ảo, phá bỏ rào cản tách biệt đối với người cao tuổi và người khuyết tật, đồng thời giúp các cá nhân tham gia nghiên cứu dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, giống như tất cả các công nghệ mới, metaverse cũng có những rảo cản riêng. Các ứng dụng Metaverse chống lại sự bất bình đẳng về sức khỏe liên quan đến quyền sở hữu thiết bị số, năng lực kỹ thuật số và khả năng truy cập internet, và các thực thể ảo như bản sao kỹ thuật số đặt ra câu hỏi mới về cách chúng ta định nghĩa dữ liệu bệnh nhân và quyền riêng tư. Thêm vào đó, cần thuyết phục các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ y tế tham gia vào metaverse, đặc biệt khi có các công cụ phần cứng và phần mềm rẻ hơn trên thị trường.
Hiện tại, metaverse vẫn là một thế giới mới mẻ cho những đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và có lẽ chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển khá cường điệu của nó. Đối với những người tiên phong, chúng tôi sẽ theo dõi cách các bạn điều hướng việc gia nhập, tích hợp quy trình làm việc và chế độ chi trả/thanh toán cho các ứng dụng metaverse, đặc biệt là đối với các ứng dụng dành cho nhà cung cấp và bệnh nhân. Như với bất kỳ công nghệ phát triển nào ảnh hưởng đến kết quả của bệnh nhân, metaverse có những khả năng gần như vô tận.
6. Bạn có đồng ý rằng Metaverse sẽ giúp giải quyết vấn đề nhìn, sờ, gõ, nghe của y tế từ xa?
Để hình dung rõ hơn tiềm năng của Metaverse, chúng ta cùng tìm hiểu 1 ví dụ qua video sau:
- Nguyên mẫu găng tay khoa học viễn tưởng trong Metaverse cho phép bạn cảm nhận các vật thể VR bằng cách sử dụng các túi khí.
- Nguyên mẫu là một chiếc găng tay được lót với khoảng 15 miếng đệm bằng nhựa có gờ và bơm hơi được gọi là bộ truyền động.
Mặt sau có các điểm đánh dấu màu trắng nhỏ cho phép máy ảnh theo dõi cách ngón tay di chuyển trong không gian và mặt sau có các cảm biến bên trong ghi lại cách uốn cong ngón tay của người đeo.
7. Ca phẫu thuật tim người lớn đầu tiên trên thế giới với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo tăng cường.
Tại trung tâm tim mạch đại học quốc gia Singapore đã sử dụng kỹ thuật tái tạo hình ảnh 3 chiều (Holography) ứng dụng trong các phẫu thuật tim ít xâm lấn bắt đầu từ tháng 10/2021.
Dựa trên ảnh chụp CT trước phẫu thuật, họ đã sử dụng ‘Hololens của Microsoft và phần mềm liên quan để tạo ra Hình ảnh ba chiều (3D) của các cơ quan và lồng ngực của bệnh nhân, họ đã định vị trên ngực của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật theo tỷ lệ chính xác 1-1, qua đó cho thấy rằng kỹ thuật tái tạo hình ảnh 3 chiều có thể hỗ trợ các vết mổ ít xâm lấn hơn. Các công cụ và máy ảnh định vị xâm lấn tối thiểu có thể hỗ trợ việc đưa ra quyết định phẫu thuật, đặc biệt trong các trường hợp phẫu thuật phức tạp. Nó có thể giúp tiếp cận các không gian hạn chế với hiệu quả và công thái học, đồng thời ước tính mức độ khó khăn của ca phẫu thuật.
Holography có thể có giá trị trong các quy trình phẫu thuật tim nội soi và hơn thế nữa. Loạt bằng chứng về phương pháp này sẽ sớm được chia sẻ (về mặt học thuật), báo trước những tiện ích và ứng dụng hơn nữa trong các cuộc phẫu thuật khác, trên con đường chuyển đổi mô hình chăm sóc phẫu thuật!
Tài liệu tham khảo
- Tác giả: Charlotte Hawks, Adriana Krasniansky, Ngày đăng: 07/02/2022, Digital health enters the metaverse, RockHealth. Ngày truy cập: 09/02/2022.
- Tác giả: Clara Chong. Ngày đăng: 09/01/2022. Holography-guided heart surgery for more precise, speedier incisions. The Straits Times. Ngày truy cập: 10/02/2022.
Nguồn: Vietnam Digital Health Network.